CHI TIẾT TIN TỨC - SỰ KIỆNÔng lớn ngành bia lại chạy đua xây nhà máyDù từ năm 2013 đã từng có khuyến cáo không nên xây thêm nhà máy bia nhưng trong thời gian qua đã chứng kiến hàng loạt hãng bia không ngừng đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất.
(Ảnh minh hoạ).
Chạy đua mở nhà máy Sau khi mua lại Nhà máy bia Carlsberg ở Vũng Tàu hồi tháng 7, bia Heineken Việt Nam lên kế hoạch tăng công suất tại tỉnh này từ 50 triệu lít lên 610 triệu lít. Nhà máy này hiện đã được đổi tên thành Nhà máy bia Heineken Vũng Tàu và kế hoạch mở rộng đã được trình lên Bộ Công Thương. Còn theo thông tin từ Bộ Công Thương, việc nâng công suất này được căn cứ vào Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Trong đó, Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã được xác định trong Quy hoạch được Bộ Công Thuơng phê duyệt tại Quyết định 3690/QĐ - BCT ngày 12/9/2016. Đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến kể từ khi vào Việt Nam tới nay, Heineken đã tăng sản lượng lên khoảng 14% mỗi năm kể từ năm 2012, gấp đôi tỷ lệ của Sabeco. Năm ngoái, doanh nghiệp sản xuất 729 triệu lít, so với 1,38 tỷ lít của Sabeco. Không chỉ Heineken, thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt hãng bia không ngừng đầu tư, mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất. Chẳng hạn, Saporo Việt Nam đã nâng công suất thiết kế từ 40 triệu lít/năm lên 100 triệu lít/năm; Heineken Việt Nam đang tiến hành nâng cấp nhà máy bia ở Quảng Nam lên 120 triệu lít/năm từ công suất hiện tại 25 triệu lít/năm; AB Inbev mới khánh thành nhà máy bia 100 triệu lít/năm; Masan có 2 nhà máy bia tổng công suất 200 triệu lít/năm… Với các hãng bia nội, hiện Sabeco đang dẫn đầu về tốc độ mở rộng, đầu tư mới các nhà máy sản xuất, khi liên tiếp rót tiền vào các dự án đầu tư trong mấy năm gần đây. Sabeco hiện là doanh nghiệp sở hữu nhiều nhà máy sản xuất bia nhất cả nước, với 20 nhà máy đang hoạt động và 4 nhà máy đang xây dựng, lắp đặt và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, tổng công suất bia khoảng 1,8 tỷ lít/năm. Tại khu vực phía Bắc, riêng Habeco đã có cả chục nhà máy nhỏ khắp miền Bắc, miền Trung như tại Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình... Theo một thống kê công bố hồi đầu năm nay, cả nước có khoảng 129 cơ sở sản xuất bia; trong 63 tỉnh thành phố trên cả nước hiện nay chỉ có 20 tỉnh là không có cơ sở sản xuất bia. Sản lượng sản xuất của các cơ sở sản xuất tập trung ở các tỉnh thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Thừa Thiên - Huế... với sản lượng lên tới 4,8 tỷ lít bia/năm, đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Trong giai đoạn 2020 - 2015, sản lượng tiêu thụ bia đã tăng khá mạnh, từ mức 2.336 triệu lít bia năm 2010 lên 3.627 triệu lít năm 2015. Trong đó, các phân khúc từ giá rẻ cho tới cao cấp đều chứng kiến sự tăng trưởng mạnh trên 50%. Mỗi người trưởng thành Việt Nam tiêu thụ trung bình 35,5 lít bia/năm, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có lượng bia tiêu thụ đầu người cao thứ 2 châu Á. Kết quả nghiên cứu của Canadean, công ty khảo sát thị trường bia hàng đầu thế giới, cho thấy thị trường bia của Việt Nam có mức tăng trưởng kép hàng năm trong 10 năm qua là 6,4% và 5 năm qua là 5,7%. Bia cũng là thức uống chiếm đến 94% lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam. Dự báo, sản lượng ngành bia Việt Nam trong 5 năm tới sẽ tăng trưởng 4%-5%/ năm, và giá trị sẽ tăng cao hơn vì các sản phẩm giá thành cao đang dần được ưa chuộng hơn. Chính bởi tiềm năng rất lớn khiến nhiều hãng bia coi Việt Nam là thị trường màu mỡ và không ngừng gia tăng năng lực sản xuất. Tiêu thụ chưa xứng với sản xuất Trả lời trên Nikkei, Heineken nhận định Việt Nam là thị trường mang lại lợi nhuận đứng thứ 2, sau Mexico. Việc mở rộng công suất khủng như trên cũng không có gì khó hiểu khi hãng bia này nhận định Việt Nam có tiềm năng rất lớn với lượng tiêu thụ bia trong năm nay đạt khoảng 3,4 tỷ lít, dự kiến đạt 4,1 tỷ lít vào năm 2020. Ngoài ra, số người Việt đủ tuổi sử dụng đồ uống chứa cồn (từ 18 tuổi trở lên), sẽ vượt qua con số 72 triệu vào năm 2021 (hiện nay khoảng 69 triệu). Tuy nhiên, cùng với cuộc đua mở rộng công suất là mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng ngày càng khốc liệt, thậm chí không loại trừ khả năng “bội thực” bia cũng như sự mất cân đối trong cung - cầu trên thị trường. Ngay từ năm 2013, một quan chức Bộ Công Thương từng thừa nhận có hiện tượng tỉnh nào cũng có nhà máy bia, nhưng rồi sau đó lần lượt phải đóng cửa. Theo vị này, việc đầu tư các nhà máy bia có công suất dưới 50 triệu lít/năm khó đem lại hiệu quả và quy hoạch phát triển ngành bia sắp tới sẽ không khuyến khích phát triển nhà máy quy mô nhỏ này. Đặc biệt, với các “đại gia” ngành bia như Sabeco, Habeco… không nên mở thêm nhà máy, trừ trường hợp thật cần thiết. Một báo cáo của Công ty chứng khoán BIDV công bố hồi cuối tháng 10 chỉ ra rằng, tiêu thụ bia tại Việt Nam đang có mức tăng không tương xứng với sản lượng sản xuất. Sản lượng tiêu thụ năm 2015 đạt 3,8 tỷ lít, tăng 4,4%. Đây là mức tương đối thấp so với tăng trưởng của sản lượng sản xuất, hiện đạt 4,67 tỷ lít, tăng 20,1%, bỏ xa các nước khác trên thế giới. Tại thời điểm hiện tại, với ông lớn trong ngành bia như Sabeco cũng có khả năng phải đối mặt với việc dư thừa công suất. Với kế hoạch năm 2016 đạt sản lượng 1,49 tỷ lít, Sabeco hiện mới sử dụng khoảng 83% công suất và phần công suất dôi dư còn lại hiển nhiên sẽ khiến hệ thống sản xuất của Sabeco phải chịu áp lực lớn. Tương tự, Habeco có tổng công suất 800 triệu lít/năm nhưng khả năng tiêu thụ chỉ vào hơn 500 triệu lít/năm. Thêm nữa, việc phát triển ồ ạt nhiều nhà máy nhưng chưa có sự phân bổ hợp lý sẽ khiến doanh nghiệp đi ngược lại mục tiêu ban đầu là tiết kiệm chi phí vận chuyển, gia tăng chất lượng sản xuất bia. Như tại Sabeco, 24 nhà máy của Sabeco được phân bổ không đồng đều với vùng tiêu thụ, đặc biệt là các nhà máy tại phía Bắc (Phú thọ, Thái Bình) và miền Trung (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi). Thậm chí tại một số tỉnh thành, Sabeco phải chịu cạnh tranh từ các thương hiệu bia khác khi cùng đặt nhà máy tại một tỉnh như Nghệ An, Phú Thọ... Một nguồn tin nói với Dân trí: "Hàng năm Sabeco phải vận chuyển 300-500 triệu lít bia từ các khu vực trên vào Tây Nguyên và miền Nam để tiêu thụ do các nhà máy tại các khu vực sản xuất tiêu thụ rất kém. Ước tính hàng năm Sabeco phải chi thêm khoảng 300 tỷ đồng chi phí vận chuyển ngược vùng như vậy. Đó là chưa kể các chi phí vận hành, quản lý, lưu kho khác".
Phương Dung / Dân Trí
TIN TỨC KHÁC : |